The Essential Things For A Successful Interview To Study In America
1. Những điều cần làm trước khi phỏng vấn:
• Bước 1: Tìm trường, liên lạc với trường để tìm hiểu thông tin, xin I20
• Bước 2: Tập hợp và gửi các giấy tờ cần thiết cho trường và chờ nhận I20.
• Bước 3: Tập hợp giấy tờ (trong đó bao gồm I20 từ trường gửi về, passport, bằng cấp, học bạ, giấy tờ chứng minh tài chính) để phỏng vấn xin Visa tại lãnh sự quán Mỹ. Sau khi có Visa bạn có thể bay qua Mỹ trước thời điểm nhập học ghi trên I-20 tối đa là 30 ngày.
2. 03 điều lãnh sự quán cần để cấp Visa cho bạn:
• Kết quả học tập: Lãnh sự quán muốn bạn chứng minh rằng bạn thích học ở Mỹ và có thể học tốt ở Mỹ. Vì vậy, họ sẽ xem bằng cấp, học bạ của bạn và hỏi bạn những gì bạn đã học và đã làm ở Việt Nam. Số điểm trong học bạ càng cao càng tốt. Chuyên ngành bạn dự định học ở Mỹ được nối tiếp với chuyên ngành bạn đã học ở Việt Nam là lợi thế.
• Tài chính: Lãnh sự quán muốn biết ai hỗ trợ tài chính cho bạn. Vì vậy, họ sẽ xem giấy tờ kinh doanh, thu nhập, thuế rõ ràng, nghề nghiệp và thu nhập của người tài trợ, …..Giấy tờ tốt và người tài trợ có thu nhập cao là một lợi thế.
• Khả năng quay trở về Việt Nam của bạn: Lãnh sự quán muốn bạn chứng minh rằng bạn sẽ trở về Việt Nam sau khi học xong. Rất quan trọng! Do đó, các câu trả lời của bạn phải chứng minh được điều này.
3. Hình thức phỏng vấn:
• Có nhiều suất phỏng vấn, sớm nhất là 7:30am. Bạn nên đến sớm khoảng 15-20 phút để không có cảm giác vội vã.
• Đúng 7h30, lãnh sự quán mở cửa. Từng tốp khoảng 20 người bước vào cánh cửa xoay. Vào bên trong phòng lớn, mọi người sẽ được phân ra làm 2 bên là non-immigration và immigration, mỗi bên 2 hàng. Lần này, Bảo vệ sẽ cho từng tốp ra 1 cái cửa, mỗi tốp chừng 20 người, 1 tốp bên non-immigration và 1 tốp bên immigration lần lượt đi qua cánh cửa và đi ra vỉa hè. Sau khi ra vỉa hè, mỗi tốp lại xếp hàng và chuẩn bị bước vào 1 cánh cổng khác, từng người một được gọi vào để kiểm tra hành lý, giấy tờ, …Người ta sẽ bắt bạn dang tay để kiểm tra.
• Sau khi qua được vòng kiểm tra của Bảo vệ, bạn tiến sâu hơn vào bên trong và lần này lại xếp hàng để lấy số thứ tự. Sau khi lấy số thứ tự xong, người ta sẽ yêu cầu bạn lại cửa số 07 để lấy dấu vân tay. Hãy nhớ để ý người ta đọc số thứ tự của mình (đồng thời có hiện lên cái bảng điện tử) để lên lấy dấu vân tay của cả 2 bàn tay theo hướng dẫn. Sau đó bạn quay lại ghế và ngồi chờ đến số thứ tự của mình phỏng vấn. Người ta sẽ đọc số thứ tự và số cửa phỏng vấn tương ứng. Sẽ đọc 2 lần, nếu 2 lần đó bạn không lên thì rất lâu sau người ta mới kêu lại tên bạn. Người ta gọi số thứ tự không theo một trật tự nào cả, có thể lớn trước nhỏ sau hoặc ngược lại.
• Có 05 cửa phỏng vấn, từ số 02 – 06, nhưng thường không phỏng vấn hết 05 cửa, mà chỉ khoảng 03 cửa trong số này thôi. Các cửa này sát nhau và ngăn nhau bởi 1 bức tường được xây so le nhau. Trước mỗi cửa có 1 vạch màu vàng. Khi người ta gọi đến số thứ tự của bạn, bạn đi lên. Nếu người được phỏng vấn trước chưa ra thì bạn phải đứng đợi sau vạch màu vàng. Bên trong mỗi cửa có 02 người, một người phỏng vấn và 1 người phiên dịch. Họ ngồi, bạn đứng trong suốt quá trình phỏng vấn. Bình quân 1 cuộc phỏng vấn chỉ kéo dài 3-5 phút. Bạn và người phỏng vấn cách nhau bởi 1 tấm kính dày, phía dưới tấm kính, người ta làm một cái khay nhỏ âm ở dưới để bạn chuyển hồ sơ vào trong. Người ta sẽ hỏi bạn thông qua 1 cái loa. Bạn phải cố gắng trả lời to, rõ ràng.
• Về ngoại ngữ, người ta không yêu cầu cao lắm. Với các nội dung được đề cập ở trên, bạn có thể thấy là phần hỏi và trả lời không có gì cao siêu về Tiếng anh. Khi bạn đã chuẩn bị trước, bạn có thể trả lời dễ dàng. Nếu không hiểu, người thông dịch sẽ dịch cho bạn.
4. Thái độ, cử điệu, giọng điệu, …. khi trả lời phỏng vấn:
• Bạn hãy thể hiện sự tự tin bằng cách nói dõng dạc, thuyết phục và nhìn vào mắt người đối diện.
• Gương mặt nên thể hiện sự vui vẻ, gần gũi, đừng quạu hay căng thẳng quá.
• Nên trả lời câu hỏi một cách chủ động. Ví dụ người ta hỏi bạn “Bạn qua Mỹ làm gì?”, thì bạn đừng trả lời một cách đơn giản là “Tôi qua Mỹ để học”. Nhưng bạn nên trả lời “Tôi qua Mỹ để học ngành Kế toán, vì tôi có một niềm đam mê từ ngành này. Ở Việt Nam, tôi đã tìm hiểu và học về ngành này, nay qua Mỹ tôi muốn tiếp tục được học ngành Kế toán. Và đây là các chứng chỉ/bằng cấp tôi đạt được khi ở Việt Nam”. Vừa nói xong, bạn nên đưa ngay các chứng chỉ vào trong cho người ta xem. Chỉ với một câu hỏi đơn giản nhưng bạn đã cung cấp nhiều thông tin và đưa tài liệu, bằng cấp cho người ta xem 1 cách chủ động như thế, người ta sẽ đánh giá cao bạn hơn là bạn chỉ trả lời như 1 cái máy. Bạn được đi du học hay không tùy thuộc vào câu trả lời của bạn có thuyết phục hay không.
• Dù rớt hay đậu bạn cũng nên cám ơn người ta đã cho bạn tham dự cuộc phỏng vấn. Nếu rớt, bạn nên xin người ta cho biết lý do rớt để rút kinh nghiệm cho lần sau.
• Đậu thì đừng quá khích, rớt cũng đừng buồn và thất vọng.